Chứng khoán bước vào năm bản lề của kỷ nguyên mới

10/01/2025

Tâm lý nhà đầu tư đang được cải thiện nhờ vào kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng.   Ảnh: Đức Thanh

Chờ nâng hạng thị trường

Đánh giá về thị trường chứng khoán, TS. Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển lớn và đạt được nhiều kết quả đáng kể trong hơn 25 năm qua, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Trong vòng 1/4 thế kỷ qua, Chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh, đạt 1.498,28 điểm vào cuối năm 2021 và giằng co trong vùng đỉnh ngắn hạn 1.300 điểm. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể và cũng lập nhiều kỷ lục mới về giá trị và khối lượng giao dịch. Đặc biệt trong năm 2021, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt trên 21.593 tỷ đồng, có những phiên giao dịch trên 45.000 tỷ đồng.

Sau giai đoạn Covid-19, giá trị giao dịch trung bình dao động quanh 20.000-21.000 tỷ đồng. Cùng với sự tăng trưởng mạnh của Chỉ số VN-Index, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán liên tiếp gia tăng mạnh bắt đầu từ năm 2019. Tính đến năm 2021, giá trị vốn hóa niêm yết đạt 5,6 triệu tỷ đồng (tương đương 92,7% GDP), nhưng tính đến cuối năm 2023 đạt 240 tỷ USD (tương đương 56,4% GDP).

Bàn về cơ hội, ông Hồ Sỹ Hòa cho rằng, năm 2024 là năm bản lề cho nâng hạng thị trường vào năm 2025, đánh dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Hiện nay, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí, còn 2 tiêu chí là non-prefunding và failed trade management (dựa trên CCP - chức năng bù trừ thanh toán trung tâm cho thị trường chứng khoán) là 2 yếu tố sẽ đưa vào kỳ đánh giá trong vòng 6-9 tháng tới của FTSE Russel. Đối với việc triển khai CCP, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó cho phép Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) thiết lập công ty con có chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở.

“Nếu thị trường chứng khoán được FTSE đánh giá tính cực dựa trên trải nghiệm của các nhà đầu tư quốc tế để đánh giá, thì khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam là khá cao. Ngoài ra, nếu được nâng hạng, thị trường Việt Nam có thể nhận được 1 tỷ USD bị động và 5 tỷ USD từ quỹ đầu tư chủ động”, chuyên gia DNSE bàn luận.

Dù vậy, nhìn thẳng vào thực tế, ông Hòa cũng cẩn trọng khi năm 2025 sẽ là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán. Kinh tế thế giới bước vào một chu kỳ mới, với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ (giảm lãi suất), khi tân Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức. Điều này sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến các thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Quỹ ngoại tiếp tục nắm giữ dài hạn, đặt niềm tin vào chứng khoán Việt Nam

Ông Petri Deryng, người đứng đầu Quỹ đầu tư Phần Lan PYN Elite Fund khẳng định lại niềm tin của mình vào triển vọng lạc quan của thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ trong năm 2025, mà còn ở các năm tới với quan điểm “Strong Hold”.

Chỉ số VN-Index năm 2024 chỉ giao dịch trong vùng 1.200 - 1.300 điểm, nhưng quan điểm của PYN Elite Fund vẫn duy trì mục tiêu dài hạn của VN-Index ở mức 2.500 điểm. Mục tiêu này dựa trên tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các doanh nghiệp niêm yết trong 2-3 năm tới, nhưng thay vì tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận, nhà đầu tư chú ý hơn đến các rủi ro điều chỉnh. Tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi USD, khả năng áp đặt thuế quan của tân Tổng thống Mỹ và diễn biến rút ròng gia tăng của khối ngoại khỏi thị trường Việt Nam.

Hiện tại, tổng vốn hóa thị trường của các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam (HoSE, HNX và UPCoM) chiếm khoảng 57% GDP dự phóng vào năm 2025. Theo PYN Elite, đây là mức hợp lý và thị trường chứng khoán của một nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng như Việt Nam có thể dễ dàng đạt mức định giá gần 100% GDP.
Nhận định về các yếu tố tác động tới thị trường trong năm tới, ông Petri Deryng cho rằng, yếu tố đầu tiên đáng chú ý là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tiếp tục duy trì theo hướng tích cực. “Chúng tôi tin rằng, các yếu tố khiến nhà đầu tư lo ngại thời gian gần đây sẽ không còn là vấn đề lớn. Sự chú ý của thị trường sẽ dành cho tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của doanh nghiệp niêm yết và định giá cực kỳ hấp dẫn của thị trường”, người đứng đầu PYN Elite nói.

Một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam là đầu tư và thương mại quốc tế. Xuất khẩu của Việt Nam tới Mỹ đã tăng 132% trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump. Do đó, sẽ không có thay đổi quá lớn đối với vị thế của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa ra thị trường toàn cầu nói chung và thị trường Mỹ nói riêng trong nhiệm kỳ thứ hai sắp tới của ông Donald Trump.

Cẩn trọng hơn với triển vọng thị trường, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế Vĩ mô và Nghiên cứu thị trường tại VinaCapital cho rằng, năm 2025 có thể là một năm biến động với thị trường chứng khoán Việt Nam, vì trong nửa đầu năm, tăng trưởng GDP có thể chậm lại và VND bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nhà phân tích này cũng cho rằng, cả hai khả năng đó có thể sẽ đảo chiều vào cuối năm và đó là một sự tăng tốc mạnh mẽ.

Ông Michael Kokalari bày tỏ sự kỳ vọng dòng tiền nước ngoài sẽ quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2025, khi có thông tin rõ ràng rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ không nhắm vào Việt Nam, phần lớn nhờ vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết từ 13% năm 2024 lên 17% năm 2025.

Hơn nữa, định giá của thị trường vẫn hấp dẫn với tỷ lệ P/E dự phóng là 12 lần, thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm của VN-Index và thấp hơn 20% so với mức định giá của các nước cùng khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Vị chuyên gia từ VinaCapital còn cho rằng, sự tăng trưởng mà quỹ này kỳ vọng trong năm 2025 một phần dựa vào sự phục hồi của thị trường bất động sản nhà ở, từ mức tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi 9% trong năm 2024 lên 20% trong năm 2025. Điều này sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng khi vay mua nhà tăng theo hoạt động phát triển bất động sản. Tỷ trọng lớn của ngành ngân hàng trong VN-Index sẽ thúc đẩy đáng kể tổng mức tăng trưởng của Chỉ số ngay cả khi lợi nhuận ngành ngân hàng tăng khiêm tốn.

Trên thị trường, tâm lý nhà đầu tư đang được cải thiện nhờ vào kỳ vọng ngày càng lớn rằng, thị trường Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi khi đã đáp ứng gần như tất cả các tiêu chí của FTSE để được xem xét.

Năm 2025 hứa hẹn là thời điểm quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các cơ quan quản lý, sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài và tiềm năng nâng hạng thị trường mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa các lợi thế này, thị trường cần duy trì sự ổn định, minh bạch và hiệu quả trong vận hành, đồng thời phải luôn sẵn sàng ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn, từ đó tạo nên thời cơ tốt đưa thị trường chứng khoán bứt phá mạnh mẽ hơn.

Theo: Đầu tư Online_ Diễn đàn đầu từ kinh doanh 

chevron_left
chevron_right