Ảnh minh họa
Thị trường trong nước ngược dòng chứng khoán thế giới trong tuần vừa qua, chốt tuần ở mức 1.254,89 điểm, tăng 2,17 điểm, tương đương mức phục hồi 0,17% so với tuần trước. Mức tăng chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu nhỏ (Smallcap), trong khi nhóm Midcap và Vn30 đi ngang.
Thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần vừa qua còn 16.380 tỷ đồng, giảm -2,4% so với tuần trước đó, ghi nhận mức thấp nhất 7 tuần vừa qua. Nếu loại giao dịch thỏa thuận, thanh khoản khớp lệnh của thị trường giảm -18,4% so với tuần trước, còn 12.381 tỷ đồng. Theo thống kê, thanh khoản tháng 10 đạt 17.764 tỷ đồng, tương đương so với tháng 9 và tăng +5% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đạt 21.970 tỷ đồng, tăng 25,4% so với năm 2023.
Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh 7.800 tỷ đồng, tập trung ở cổ phiếu VIB (-5.400 tỷ đồng).
Nhận định về diễn biến tuần qua và xu hướng thị trường tuần này, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect cho rằng thị trường diễn biến giằng co trong tuần qua trước áp lực cơ cấu của quỹ ETF Diamond và áp lực bán ròng của khối ngoại tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tuy vậy, đã có một số tín hiệu tích cực. Cụ thể, bức tranh kết quả kinh doanh Quý 3/2024 của thị trường cải thiện tích cực với doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18,7% vượt trội so với mức tăng trưởng của 2 quý đầu năm, số liệu chốt đến ngày 1/11/2024 với 1.058 doanh nghiệp đã công bố báo cáo Quý 3/2024, chiếm 97,5% vốn hóa toàn thị trường.
Bức tranh kết quả kinh doanh tươi sáng hơn sẽ phần nào cải thiện định giá thị trường và hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư. Đồng thời, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt trong nửa sau của Quý 4 khi Fed tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất điều hành và nguồn cung ngoại tệ tăng lên dịp cuối năm nhờ dòng vốn FDI và kiều hối tích cực.
"Do đó, chúng tôi bảo lưu nhận định rằng vùng 1.240-1.250 điểm sẽ là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Indexn. Các nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số điều chỉnh về vùng hỗ trợ kể trên, ưu tiên những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ).
Thực tế, trong những tháng gần đây, chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.240-1.250 điểm và chốt lời khi VN-Index chạm cận trên của kênh tích lũy tại vùng 1.290-1.300 điểm vẫn đang phát huy hiệu quả", ông Hinh nhấn mạnh.
Đại diện chứng khoán MBS cho rằng trong tuần tới, mức độ biến động của thị trường tài chính Mỹ và thế giới có thể tăng lên do hai sự kiện lớn là cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11 và cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 6-7/11.
Đối với thị trường trong nước, dù chỉ số Dollar trên ngưỡng 104 điểm nhưng NHNN đã có động thái bơm ròng trở lại để hỗ trợ thanh khoản hệ thống trong bối cảnh cầu tín dụng tăng mạnh về cuối năm, lãi suất liên ngân hàng giảm, tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt và tiền Đồng lên giá so với USD.
Cùng với Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức được áp dụng từ ngày 2/11/2024, Thông tư mới có nội dung đáng chú ý liên quan đến việc nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh,… sẽ hỗ trợ giao dịch của khối ngoại cũng như tác động tích cực đến thị trường trong quá trình nâng hạng.
Thị trường chứng khoán trong nước thường có chu kỳ tăng trưởng khá tốt trong giai đoạn tháng 11 đến hết tháng 2 năm sau. Trong hai năm gần nhất là 2022 và 2023, chỉ số VN-Index đã tạo đáy trong tháng 11 và khởi đầu cho chuỗi phục hồi mạnh mẽ sau đó.
Ngoài yếu tố mang tính chu kỳ/mùa vụ đang hỗ trợ thị trường phục hồi trở lại, thị trường có thể kỳ vọng vào các tin tức hỗ trợ như: Khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất 0,25% trong cuộc họp kết thúc vào ngày 8-11-2024, tức ba ngày sau khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ.
Càng về giai đoạn cuối năm, tốc độ nới lỏng chính sách có thể nhanh hơn thông qua thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 15%, trong khi đến hết tháng 9 mới đạt hơn 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, dư địa cho vay còn lại của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn khá lớn trong quí 4 này.
Chỉ số Vn-Index đánh mất xu hướng tăng kể từ đầu tháng 8 ở khu vực 1.280 điểm và thoái lui về ngưỡng Fibonacci 38,2% ở khu vực 1.257 điểm. Mặc dù để mất các ngưỡng MA50, MA100 nhưng thị trường cũng chững đà giảm, tạo vùng dừng chân ngay sát ngưỡng MA200.
Với sự thận trọng của dòng tiền và biến động từ chứng khoán thế giới có thể gia tăng trong tuần tới, khả năng thị trường sẽ kiểm định lại vùng đáy tháng 9 cũng như ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 50% ở khu vực 1.240 điểm, nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò ở khu vực này.
Theo: Vn Economy