Sau khi tăng trưởng âm trong tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng dương trở lại trong tháng 2/2024. Theo dự báo, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ dần cải thiện từ cuối quý I.
Cục Thống kê TP.HCM cho biết, tính đến ngày 29/2, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tăng 0,6% so với cuối năm 2023.
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chi nhánh TP.HCM chỉ ra, yếu tố mùa vụ là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng (gắn liền với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), bên cạnh các yếu tố khách quan khác như nhu cầu vốn, tình hình kinh tế - xã hội và khả năng hấp thụ vốn.
Ngoài ra, một điểm cần chú ý là nhu cầu vốn (chủ yếu ngắn hạn) đã tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm 2023, dành cho hoạt động sản xuất, thương mại phục vụ kỳ nghỉ lễ. Do đó, phần dư nợ này sẽ giảm theo kỳ hạn vay và thời hạn trả nợ vào dịp Tết (khai thác hiệu quả nguồn vốn vay, hạn chế việc phải chi trả lãi vay trong kỳ nghỉ). Số liệu thực tế cũng cho thấy, dư nợ tín dụng ngắn hạn trên địa bàn TP.HCM tháng 1 giảm 2,32%, nhưng dư nợ tín dụng trung và dài hạn vẫn tăng 0,35%.
“TP.HCM đã có những tín hiệu tích cực trong sản xuất, kinh doanh của một số ngành, như có đơn hàng sản xuất, công nhân trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao, nhiều thông tin tuyển dụng, xuất khẩu và đầu tư công tiếp tục thực hiện tốt”, ông Nguyễn Đức Lệnh đánh giá.
Tương tự, theo số liệu mới công bố của Cục Thống kê Hà Nội, tính đến cuối tháng 2/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố ước đạt 3,688 triệu tỷ đồng, tăng 0,93% so với tháng trước và tăng 1,96% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ở mức 1,536 triệu tỷ đồng, tăng 2,04% so với cuối năm ngoái; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2,152 triệu tỷ đồng, tăng 1,9%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 1 của các tổ chức tín dụng ở mức 1,85%. Lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,1-10,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bình quân 3,8%/năm.
Tại một số ngân hàng, dư nợ dần cải thiện. Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho hay, dư nợ tín dụng trong tháng 1/2024 của Ngân hàng tăng trưởng nhẹ khoảng 0,2%, nhưng sang tháng 2/2024, thị trường khả quan hơn, nên dư nợ tín dụng tăng khoảng 2% và kỳ vọng dần cải thiện hơn.
Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà khẳng định, NHNN tiếp tục theo dõi tăng trưởng của tháng 3, cũng như các tháng tiếp theo để có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ người đi vay và nền kinh tế.
Cũng theo ông Phạm Thanh Hà, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để thúc tăng trưởng tín dụng. Ngay đầu tháng 2/2024, NHNN có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường rà soát, đơn giản hóa thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số, áp dụng vào quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn, phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng; công khai lãi suất cho vay bình quân.
Mặt bằng lãi suất huy động hiện ở mức thấp. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tiền đồng giảm 0,3 - 3%/năm so với mức cao nhất cách đây 2 tuần. Nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm đi xuống là tình hình cho vay còn chậm. Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, lãi suất đang giảm dần, cả huy động và cho vay, nên không còn là vấn đề lớn đối với người cần vốn. Quan trọng là đầu ra sản phẩm doanh nghiệp khi sức mua yếu.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024, với khoảng 4,85 - 5,35%/năm. Điều này sẽ tạo dư địa cho lãi suất cho vay giảm thêm trong thời gian tới. “Lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75-1%”, KBSV nhận định.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, xu hướng giảm lãi suất huy động sẽ tạo dư địa giảm thêm lãi suất cho vay. Việc giảm lãi suất là điều kiện để giúp nền kinh tế phục hồi, nhất là kênh đầu tư bất động sản.
Tương tự, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt (Vietcap) bày tỏ lạc quan về triển vọng tích cực của tăng trưởng tín dụng, với tốc độ cao hơn trong năm 2024, nhờ môi trường lãi suất thấp hơn, kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi và các biện pháp của Chính phủ nhằm kích thích nhu cầu và đầu tư trong nước. Tuy nhiên, theo nhận định của Vietcap, tăng trưởng tín dụng quý I/2024 có thể sẽ thấp do mùa thấp điểm sau Tết và tác động của tăng trưởng tín dụng mạnh vào cuối năm 2023 (tăng 4% trong tháng 12).
Mới đây nhất, ngày 5/3, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 18/CĐ-TTg về điều hành tăng trưởng tín dụng trong năm 2024. Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo Đầu tư Online