Trong năm 2023, biến động của thị trường chứng khoán và sự gia tăng chi phí tài chính sẽ dẫn đến nỗi lo về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong năm 2023, biến động của thị trường chứng khoán và sự gia tăng chi phí tài chính sẽ dẫn đến nỗi lo sợ về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Ảnh: TL
2023 được dự đoán sẽ là một năm sôi động cho thị trường M&A, đặc biệt là trong các ngành then chốt như dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng, bán lẻ, hậu cần và năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đã chậm lại so với tốc độ kỷ lục vào năm 2021, với tổng số thương vụ trong năm 2022 giảm 3% từ 142 còn 138. Tuy nhiên, tổng giá trị thương vụ vẫn tăng nhẹ 6% so với con số ước tính năm 2021, đạt 5,7 tỉ USD (theo Mergermarket).
Trong khi đó, số lượng và giá trị giao dịch toàn cầu lần lượt giảm 34% và 39% so với năm trước. Vì vậy, có thể thấy rằng 2022 vẫn là một trong những năm khởi sắc nhất của thị trường M&A tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm.
Lực hút M&A từ Việt Nam
Năm 2022 ghi nhận nhiều thương vụ M&A đáng chú ý. Chẳng hạn, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Swire Coca-Cola (công ty con của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Swire Pacific) đã mua lại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam với giá 1,01 tỉ USD vào năm 2022, củng cố chỗ đứng của doanh nghiệp này tại khu vực Đông Nam Á.
Thương vụ Masan Group mua 65% cổ phần của Phúc Long Heritage với giá 260 triệu USD, nâng tỉ lệ sở hữu lên 85% là thương vụ đáng chú ý trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B). Thương vụ này giúp Masan củng cố mục tiêu xây dựng thương hiệu Phúc Long trở thành chuỗi cửa hàng trà và cà phê hàng đầu tại Việt Nam trong vài năm tới và mở rộng phạm vi hoạt động ra quốc tế vào năm 2024. Các thương vụ lớn khác bao gồm thương vụ 430 triệu USD của Tasco mua lại SVC Holdings và Techcombank mua 5,4% cổ phần tại Techcom Securities với giá 410 triệu USD.
Với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm hạn chế tác động của COVID-19 cùng các chính sách hỗ trợ FDI và tăng trưởng kinh tế, số thương vụ trong năm 2021 đã tăng lên. Tuy nhiên, trong năm 2022, nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn với các khoản đầu tư xuyên quốc gia cùng với yêu cầu về tỉ suất sinh lời cao hơn do sự gia tăng rủi ro đến từ căng thẳng Nga - Ukraine, nguy cơ lạm phát và lãi suất gia tăng trên toàn thế giới.
Trong năm 2023, biến động của thị trường chứng khoán và sự gia tăng chi phí tài chính sẽ dẫn đến nỗi lo sợ về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, khả năng cao là nhiều doanh nghiệp sẽ bị định giá thấp, tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam được coi là ngôi sao đang lên trong khu vực và trên thế giới về các hoạt động M&A nhờ tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ, môi trường kinh tế và chính trị ổn định, tốc độ số hóa nhanh chóng và số lượng công ty khởi nghiệp công nghệ ngày càng tăng bất chấp những rào cản trên. Việt Nam được dự đoán sẽ thu hút 36-38 tỉ USD vốn FDI trong năm 2023, tăng từ 22,4 tỉ USD vào năm 2022 (theo Cục Đầu tư Nước ngoài). Các biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, ưu tiên các dự án liên quan đến yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG), xây dựng niềm tin của nhà đầu tư và việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã ảnh hưởng tích cực đến thị trường M&A.
Trong khi đó, xung đột địa chính trị vẫn là vấn đề mà các tập đoàn đa quốc gia lo ngại. Các doanh nghiệp đang cân nhắc lại chiến lược về chuỗi cung ứng với những vấn đề về nguồn cung cũng như chi phí tăng cao của một số loại hàng hóa do hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, sự phong tỏa do COVID-19 ở Trung Quốc đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến các doanh nghiệp phải tìm kiếm nhà cung cấp thay thế.
Vì thế, các tập đoàn đang tìm giải pháp mới nhằm đa dạng hóa nguồn cung và thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách chuyển sản xuất sang các nước khác, trong đó Việt Nam được xem là một lựa chọn hoàn hảo. Ví dụ điển hình là việc Apple và các nhà cung cấp của họ, Foxconn and Goertek đều đã chuyển hoạt động sản xuất đến tỉnh Bắc Giang, Nintendo chuyển việc sản xuất bảng điều khiển Switch tới Việt Nam, và Lego xây dựng nhà máy mới trị giá 1 tỉ USD tại thị trường gần 100 triệu dân theo chiến lược về chuỗi cung ứng của họ.
Với quan điểm này, trong năm 2023, thị trường M&A tại Việt Nam có thể sẽ phát triển bền vững và tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư chiến lược và các quỹ đầu tư tư nhân. Những nhà đầu tư chiến lược đến từ Thái Lan, Singapore, Nhật và Hàn Quốc đang ráo riết tham gia vào lĩnh vực M&A tại Việt Nam nhằm gia tăng thị phần và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Một số nhà đầu tư chiến lược khác muốn thành lập liên doanh hoặc tìm kiếm đối tác là các doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng hoạt động và gia nhập thị trường địa phương.
Các quỹ đầu tư tư nhân bị thu hút bởi thị trường M&A ở Việt Nam do tiềm năng tăng trưởng tuyệt vời và vị trí địa lý thuận lợi, đồng thời thỏa mãn được nhu cầu tiếp cận các lĩnh vực kinh doanh có tốc độ tăng trưởng cao và đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ. Với việc tiến hành tái cơ cấu của các tổ chức chính phủ và nhu cầu huy động vốn tăng cao, ngày càng nhiều cơ hội đầu tư sẽ được mở rộng và phát triển cho các quỹ đầu tư tư nhân.
Những lĩnh vực kinh doanh tiếp tục đà phát triển
Bối cảnh của thị trường M&A trong năm 2022 cho thấy các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam, tương tự như năm 2019, bất chấp những lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng. Trong những năm vừa qua, nổi bật trong các thương vụ M&A diễn ra trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ là khoản đầu tư 90 triệu USD của Quadria vào Con Cưng, thương hiệu sở hữu một mạng lưới cửa hàng cho mẹ và bé liên tục được mở rộng với tốc độ nhanh chóng trong năm 2022.
Năm 2023 lĩnh vực này được dự báo sẽ tiếp tục thu hút nhiều thương vụ M&A do những yếu tố lạc quan của thị trường, chẳng hạn như tăng trưởng thu nhập của tầng lớp trung và thượng lưu cũng như tăng trưởng nhu cầu đối với các dịch vụ tiện ích như thanh toán nhanh. Xu hướng này sẽ thúc đẩy quá trình số hóa các ngành dịch vụ tài chính và hậu cần và tiếp tục thu hút sự quan tâm đáng kể từ nhà đầu tư nước ngoài, tạo ra nhiều cơ hội tiềm năng cho các thương vụ M&A.
Năm 2023 lĩnh vực này được dự báo sẽ tiếp tục thu hút nhiều thương vụ M&A. Ảnh: Quý Hòa
Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, hoạt động M&A trong các lĩnh vực liên quan đến ESG như năng lượng tái tạo và nông nghiệp ngày càng phát triển tại Việt Nam. Điển hình là việc Leader Energy mua lại nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6, giúp củng cố vị thế của doanh nghiệp này với tư cách là một trong những công ty năng lượng xanh hàng đầu ở Đông Nam Á bằng cách bổ sung hơn 1.000 MW công suất vào danh mục đầu tư hiện có của họ. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những bước tiến mới hướng tới sản xuất lương thực bền vững và giảm thiểu tác động môi trường.
Khoản đầu tư 52 triệu USD vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Mavin bởi Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) để mở rộng quy mô trang trại heo tại Việt Nam là minh chứng rõ nét. Trong vài năm tới, sự gia tăng nhận thức về môi trường và phát triển bền vững sẽ trở thành mấu chốt để tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghiệp này.
Các yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài
Trước khi tham gia vào một thương vụ đầu tư có tiềm năng lớn, nhà đầu tư cần nhận định kỹ lưỡng về một số vấn đề. Sự tương đồng hay phù hợp về chiến lược và câu chuyện tăng trưởng của công ty mục tiêu là những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá tiềm năng của thương vụ. Nhà đầu tư sẵn sàng chào giá cao cho các công ty mục tiêu có hiệu quả tài chính và tiềm năng tăng trưởng tuyệt vời hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực phù hợp với chuyên môn và chiến lược của nhà đầu tư. Tuy nhiên, định giá cao thường có thể dẫn đến giao dịch không thành công khi có sự chênh lệch giữa kỳ vọng của bên bán và bên mua.
Bên bán thường có xu hướng quá lạc quan về doanh nghiệp của họ, định giá quá cao mà không tính đến rủi ro tích hợp sau khi sáp nhập. Thêm vào đó, nhà đầu tư cũng có những lo ngại về khuynh hướng che giấu các vấn đề bất lợi về thuế của doanh nghiệp, những khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán và các giao dịch kém minh bạch, chẳng hạn như có 2 sổ kế toán riêng biệt.
Doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực để sẵn sàng cho các thương vụ M&A. Để chuẩn bị cho một thương vụ M&A, doanh nghiệp Việt Nam phải xem đây là thành phần thiết yếu trong chiến lược tăng trưởng. Điều quan trọng nhất trước hết là phải xác định mục tiêu M&A và nhu cầu hỗ trợ cần thiết, lựa chọn quy trình M&A và nắm rõ tiêu chí của nhà đầu tư mục tiêu.
Ngoài ra, thẩm định là một yếu tố quan trọng trong quá trình M&A và phải được ưu tiên để đảm bảo sự thành công của thương vụ. Chính vì vậy, nhà đầu tư thường tập trung vào các yếu tố như đội ngũ quản trị công ty lành mạnh, báo cáo tài chính minh bạch và đã được kiểm toán cũng như định hướng chiến lược 5 năm cụ thể. Việc kết hợp các yếu tố ESG vào chiến lược tổng thể cũng có thể làm tăng sức hấp dẫn của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư.
Việc chỉ định một cố vấn tài chính chuyên môn cũng là điều cần thiết để đảm bảo một thương vụ suôn sẻ và thành công. Nhà cố vấn có thể hỗ trợ bên bán chuẩn bị cho một thương vụ M&A bằng cách đưa ra định hướng và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp, trình bày khách quan nhất tiềm năng của doanh nghiệp, đưa ra tư vấn chuyên môn trong việc đàm phán và quản lý quy trình giao dịch.
Nhìn chung, mặc dù lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng, cùng với những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra tại một số nơi trên thế giới, 2023 được dự đoán sẽ là một năm sôi động cho thị trường M&A ở Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành then chốt như dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng, bán lẻ, hậu cần và năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp Việt Nam am hiểu mục tiêu của nhà đầu tư và lập kế hoạch cụ thể sẽ có cơ hội nắm bắt và nâng cao khả năng thành công của thương vụ.
Theo Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư