Để thị trường bất động sản hàng hiệu phát huy tiềm năng ở thị trường Việt Nam

04/08/2022

Bất chấp sự biến động của thị trường bất động sản, phân khúc bất động sản hàng hiệu vẫn đang có một hướng đi riêng trên đà tăng trưởng tích cực, nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tại Việt Nam, nếu một số chính sách về sở hữu BĐS cho người nước ngoài được nới lỏng sẽ thu hút mạnh nhà đầu tư ngoại vào phân khúc này.

Giới chuyên gia bất động sản cũng nhìn nhận, mặc dù những sản phẩm hàng hiệu, tuy giá có thể cao hơn mặt bằng chung, nhưng sức hút của loại hình này là điều không phải bàn cãi. Tại Việt Nam, loại hình này đang có xu hướng phát triển mạnh và sẽ điểm nhấn trong phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới.

Mở rộng và tăng trưởng tích cực

Theo nghiên cứu của Savills năm 2021 đã chỉ ra rằng, phân khúc bất động sản hàng hiệu đã tăng trưởng 230% trong vòng một thập kỷ qua. Đồng thời, thị trường này dự báo sẽ chào đón hơn 900 dự án mới trên phạm vi toàn cầu trước năm 2026, con số gần gấp đôi số lượng nguồn cung hiện tại.

Đánh giá về thị trường này, các chuyên gia cho rằng, đây là một phân khúc có nguồn cung khan hiếm cũng như mức giá khá cao so với các phân khúc khác trong thị trường bất động sản. Tuy nhiên phân khúc này lại gặt hái được rất nhiều thành công trên trường quốc tế, các thương hiệu nổi tiếng đang đưa ra kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh sang các khu vực khác, trong đó có Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, phân khúc này đã xuất hiện một số dự án tại các địa phương đã và đang tạo được tiếng vang lớn.

Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, đợt mở bán đầu tiên của dự án Grand Marina (do Marriott International phát triển) đã thành công vang dội. Với giá bán sánh ngang với các dự án cao cấp hàng đầu tại Bangkok hay Singapore.

Tại Đà Nẵng, trong năm 2022 thị trường bất động sản đang trở nên sôi động hơn với sự tham gia và mở rộng hoạt động của các thương hiệu quốc tế. Điển hình trong số đó có thể kể đến kế hoạch mở rộng danh mục trên toàn quốc của tập đoàn khách sạn Marriott International. Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ đón nhận thêm lượng lớn dự án nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp từ các thương hiệu lớn như dự án Fusion Resort & Villas, Le Méridien Resort & Spa và The Filmore.

Đánh giá về thị trường bất động sản hàng hiệu Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Thêm - Quản lý cấp cao, bộ phận Kinh doanh nhà ở, Savills Hà Nội cho biết: Sự tham gia và mở rộng của các thương hiệu khách sạn, nghỉ dưỡng lớn tại Đà Nẵng là một tín hiệu đáng mừng, khẳng định vị thế của thành phố trên trường quốc tế. Với danh tiếng toàn cầu, những thương hiệu này là cơ sở cần thiết để các nhà đầu tư đặt niềm tin khi đầu tư các dự án hàng hiệu tại Đà Nẵng. Từ đó các sản phẩm Second home (ngôi nhà thứ hai) sẽ được săn đón nhiều hơn.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 2/2022, khoảng 64 thương hiệu khách sạn khu vực và quốc tế đã hiện diện ở Việt Nam. Con số này dự kiến có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian sắp tới.

Số dự án khách sạn và resort nghỉ dưỡng có thương hiệu tại Việt Nam đã tăng từ 36 dự án (8.200 phòng) vào năm 2010 lên đến 120 dự án (32.000 phòng) vào cuối tháng 1/2022.

Tiềm năng từ các nhà đầu tư nước ngoài

Trước đây, các đơn vị điều hành quốc tế và khu vực có xu hướng chú trọng sự hiện diện tại các thị trường trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc thì nay các điểm đến du lịch đang phát triển (Hồ Tràm, Đà Lạt, Phan Thiết, Quy Nhơn...) cũng được chú ý.

Về mặt lý thuyết, phân khúc hàng hiệu là sản phẩm mang tính thanh khoản cao với mức lợi nhuận có thể dự báo trước. Lý do là vì một dự án bất động sản hàng hiệu sẽ đi kèm chất lượng xây dựng đạt tiêu chuẩn cao cùng đội ngũ quản lý và vận hành chuyên nghiệp để đảm bảo giá trị và định vị của sản phẩm.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ, tiềm năng của lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam nằm chủ yếu ở khách hàng nước ngoài, bởi đây là đối tượng khách hàng đã quen thuộc với các thương hiệu quốc tế nên có xu hướng lựa chọn loại sản phẩm này.

Để phân khúc này phát triển mạnh hơn, Việt Nam có thể thu hút nhà đầu tư ngoại thông qua ưu đãi từ chính sách hành chính. Một trong những biện pháp được áp dụng thành công trên quốc tế là chính sách ưu tiên visa dành cho người đã về hưu. Quy định thị thực này sẽ khuyến khích đầu tư liên quan đến du lịch từ những cá nhân ở nước ngoài.

Ngoài ra, quyền sở hữu bất động sản đối với nhà đầu tư ngoại quốc cũng có thể được xem xét để nới lỏng. Theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, một cá nhân hay tổ chức nước ngoài sẽ chỉ được sở hữu tối đa 30% số căn trong một dự án căn hộ chung cư và 10% số căn đối với dự án nhà ở riêng lẻ. Đây là con số khá nhỏ khi một khu resort thường chỉ có dưới 50 hoặc 100 căn. Điều chỉnh pháp lý sẽ góp phần gia tăng sức hấp dẫn với đầu tư nước ngoài vào các dự án nghỉ dưỡng.

Với các chủ đầu tư, mô hình bất động sản hàng hiệu đòi hỏi phải có dòng vốn mạnh. Chủ đầu tư có thể thực hiện huy động vốn thông qua việc bán hàng trước khi xây dựng nhằm giảm nhu cầu vốn chủ sở hữu và vốn vay.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu chủ đầu tư không có đủ tiềm lực tài chính mà phụ thuộc quá nhiều vào việc bán hàng thì có thể dẫn đến nguy cơ việc xây dựng bị trì trệ nếu kết quả bán hàng không đạt như mong đợi, gây bất lợi cho phía người mua.

Vì vậy, với mô hình bất động sản siêu sang này, trước khi đầu tư hoặc triển khai chủ đầu tư và nhà đầu tư cũng nên cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng để có những lựa chọn phù hợp nhất.

Theo Vnbusiness

chevron_left
chevron_right