Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia Kinh tế - Vĩ mô, Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hai nhân tố giúp thị trường bất động sản hấp dẫn, sôi động hơn thời gian tới và giải quyết tình trạng tắc nghẽn thanh khoản trầm trọng như hiện nay, đó là giải quyết vấn đề pháp lý và hạ nhiệt lãi suất...
Tình trạng tắc nghẽn pháp lý gây ách tắc nguồn cung và khó khăn cho chủ đầu tư.
Ngày 15/2, FiinGroup phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức toạ đàm: “Điểm sáng đầu tư năm 2023” để tìm ra những yếu tố sẽ tác động lớn đến xu hướng đầu tư năm 2023 và triển vọng đầu tư năm nay, đặc biệt điểm sáng le lói đến từ thị trường bất động sản - vốn đóng băng từ cuối năm vừa qua đã tạo nên tâm lý e ngại đối với các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân.
MẤU CHỐT LÀ GỠ ĐIỂM NGHẼN VỀ PHÁP LÝ
Chia sẻ tại toạ đàm về những nhân tố có thể giúp cho thị trường bất động sản sôi động trở lại thời gian tới, PGS.TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh đến việc phải giải quyết ngay các vấn đề liên quan đến pháp lý cho các dự án bất động sản.
Điều này cũng trùng lập với thông tin trước đó, trong một thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) công bố thì có tới 70% khó khăn của doanh nghiệp đến từ pháp lý. Vì vậy, việc tập trung vào giải pháp pháp lý chính là điểm mấu chốt giúp thị trường bất động sản tháo gỡ khó khăn ở thời điểm hiện tại. "Đây là vấn đề quan trọng nhất, vì trong môi trường rủi ro như hiện nay, các hoạt động, dù bán lẻ hay các hoạt động M&A bán buôn bất động sản chỉ được thực hiện khi nhà đầu tư an tâm về tính pháp lý của dự án. Điều này nằm trong tay của các nhà điều hành và phải xử lý đầu tiên", chuyên gia Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, tình trạng tắc nghẽn pháp lý diễn ra trong thời gian dài khiến hàng trăm dự án không được phê duyệt, gây khó khăn cho nguồn cung thị trường, ảnh hưởng đến phương án tài chính của chủ đầu tư.
PGS.TS. Phạm Thế Anh chia sẻ về tiềm năng thị trường bất động sản năm 2023 tại toạ đàm chiều ngày 15-02-2023.
Báo cáo tổng kết thị trường bất động sản 2022 của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, các dự án mới được cấp phép trong năm vừa qua tiếp tục giảm so với năm 2021.
Cụ thể, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, trong năm 2022 cả nước chỉ có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép, với số lượng dự án bằng khoảng 52,7% so với năm 2021; có 466 dự án với 228.029 căn hộ đang được triển khai xây dựng, bằng khoảng 47,7% so với năm 2021. Cùng với đó là 91 dự án với 18.206 căn hộ đã hoàn thành xây dựng, sụt giảm gần 45% so với năm 2021).
Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước chỉ có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; có 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Rõ ràng, nguồn cung bất động sản chỉ trực chờ bùng nổ khi khó khăn pháp lý được tháo gỡ.
CÓ DƯ ĐỊA HẠ LÃI SUẤT, ĐẦU TƯ VÀO KÊNH BẤT ĐỘNG SẢN HẤP HẪN HƠN
Cũng theo chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu loại trừ tất cả những rủi ro nội tại, đặt trong mối quan hệ tương quan giữa tình hình lạm phát ở Việt Nam hiện nay cũng như khả năng bảo vệ đồng nội tệ và sức ép lãi suất từ bên ngoài, dư địa hạ lãi suất của Việt Nam để hỗ trợ chung cho nền kinh tế là có.
Thực tế cho thấy, áp lực tăng tỷ giá thời gian qua khá lớn và có dấu hiệu hạ nhiệt khi giá đồng USD trên thế giới giảm dần. Giới chuyên gia cho rằng những căng thẳng về tỷ giá hối đoái đã giảm, vì vậy, cần tập trung cho thanh khoản và hạ lãi suất, giúp doanh nghiệp "dễ thở" hơn thời gian tới.
Còn với mặt bằng lãi suất hiện nay, do doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vốn vay ngân hàng rất lớn sẽ làm đóng băng tất cả các thị trường, không chỉ thị trường bất động sản sẽ làm sức khỏe của nền kinh tế sẽ yếu đi rất nhiều.
Thực tế, mặt bằng lãi vay các ngân hàng đang trên thị trường hiện nay cho vay lãi suất phổ biến là 12-13%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Mức này cao hơn khá nhiều so với cùng thời điểm năm trước do mặt bằng lãi suất huy động bị đẩy lên rất cao, có thời điểm tới 10,5%/năm.
Đồng quan điểm trên, theo ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Phân tích Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh, FiinRatings, khi lãi suất hạ nhiệt, kỳ vọng lợi tức cho người thuê nhà sẽ gia tăng và sẽ đến lúc một điểm trung hòa và giúp bức tranh của ngành bất động sản có thể sáng sủa hơn.
Cùng với đó, chắc chắn thị trường bất động sản sẽ cần có sự hỗ trợ rất cấp thiết đến từ chính sách của cơ quan chức năng để từ đó có thể gỡ được những nút thắt quan trọng hiện nay.
Ngay từ quý 1 năm nay, một số ngân hàng "tung" ra gói tín dụng lãi suất ưu đãi, giúp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh đã đem đến tín hiệu tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo VnEconomy