“Trong giai đoạn khó khăn thử thách vừa qua, ngành M&A vẫn có thể tạo nên những kỷ lục mới cho thấy, cơ hội luôn xuất hiện, chỉ là ai tận dụng được nó hay không”.
Thách thức còn lớn
Báo cáo Các Xu hướng M&A Toàn cầu cập nhật giữa năm 2022 vừa được PwC công bố cho thấy, hoạt động M&A đã diễn ra chậm lại sau khi đạt mức kỷ lục vào năm 2021. Những biến động kinh tế làm chậm lại các thương vụ trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch đã quay trở lại mức tăng trưởng của năm 2019 và dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược phát triển của các doanh nghiệp trong 6 tháng tới.
PwC đã dự đoán rằng, thị trường M&A năm nay không có khả năng vượt qua năm 2021 khi phải đối mặt với những khó khăn ngày càng gia tăng, nhưng kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc. Đến giữa năm 2022, những cơn gió mạnh đã xuất hiện, như lạm phát và lãi suất ở một số nền kinh tế lớn tăng nhanh, giá cổ phiếu giảm và cuộc khủng hoảng năng lượng sâu sắc hơn do xung đột Nga-Ukraine.
Bất chấp những thách thức này, M&A vẫn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược của các công ty. Theo đó, các nhà giao dịch có lý do chính đáng để thiết lập lại kế hoạch ưu tiên và thực hiện các động thái táo bạo trong lộ trình M&A. Cụ thể, họ bắt buộc phải hiểu lạm phát có thể thay đổi cuộc chơi như thế nào và ưu tiên cho các vấn đề về lực lượng lao động trong việc mua bán và sáp nhập. Tình trạng thiếu hụt kỹ năng, sự tăng cường tham gia của các bên liên quan về tính đa dạng và hòa nhập đều sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh trong tương lai.
Ông Tiong Hooi Ong, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn giao dịch PwC Việt Nam cho biết, bất chấp những trở ngại về kinh tế vĩ mô, năm 2022 sẽ là một năm sôi động đối với các giao dịch M&A tại Việt Nam. Hoạt động M&A tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài. "Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng của các quyết định chiến lược nhằm tối ưu hóa danh mục đầu tư, khi các nhà giao dịch thoái vốn nhằm tập trung nguồn lực vào việc nâng cao năng lực doanh nghiệp và chuyển đổi các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thông qua M&A”.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn nhận định, nửa cuối năm nay, các nhà giao dịch khả năng sẽ phải đối mặt với một trong những hoàn cảnh không chắc chắn và phức tạp nhất bởi những bất ổn gần đây. Giá trị giao dịch đã giảm 20% so với nửa đầu năm 2021 và có nguy cơ giảm hơn nữa do ảnh hưởng của nền kinh tế tác động đến thị trường toàn cầu. Số lượng các giao dịch có giá trị vượt quá 5 tỷ USD đã giảm gần 40% trong khoảng thời gian từ nửa cuối năm 2021 đến nửa đầu năm 2022, khi các giám đốc điều hành ngày càng thận trọng hơn và sự giám sát quy định tăng lên ở một số các thị trường trọng điểm.
Tuy nhiên, dựa trên những thương vụ trước đó, các giao dịch được thực hiện trong thời kỳ đầy thách thức lại thường thành công nhất. Lý do là trong thời kỳ suy thoái, lợi nhuận nghiêng về phía người mua và cách các giao dịch được tung ra trong thời gian thử thách như vậy có thể đạt được mức tăng trưởng vượt bậc.
Đặt lại chiến lược M&A
Bà Kiều Ngoan, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc M&A của Fibo Capital Việt Nam đánh giá, trong thời gian thử thách và khó khăn, ngành M&A vẫn có thể tạo nên được những kỷ lục. Minh chứng rõ nhất là khi đại dịch Covid-19 đang hết sức căng thẳng, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực tác động lên thị trường, giá trị các thương vụ M&A toàn cầu năm 2021 lần đầu tiên lên đến hơn 5.000 tỷ USD, dễ dàng vượt qua kỷ lục cũ vào năm 2007.
“Những khó khăn trong thời gian tiếp theo không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp nắm lấy, đánh giá lại và đặt lại chiến lược M&A. Đây là thời điểm để các nhà giao dịch mạnh dạn hành động, theo đuổi những thương vụ M&A phù hợp một cách có chiến lược để vượt qua thách thức, đưa doanh nghiệp đạt được những dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển.
Để lựa chọn được những công ty phù hợp với nguyên tắc đầu tư bảo toàn vốn, cần tập trung vào giá trị nội tại, hướng đến tăng trưởng bền vững thì cần có cách tiếp cận, thẩm định và triển khai các bước trong quy trình M&A một cách bài bản và chuyên nghiệp”, Giám đốc M&A Fibo Capital chia sẻ.
Cũng theo vị nữ doanh nhân, các tiêu chí trọng yếu để lựa chọn công ty khi thực hiện dự án đầu tư hoặc M&A bao gồm:
Thứ nhất, công ty có hoạt động kinh doanh cốt lõi tốt, dòng tiền kinh doanh tốt, ưu tiên đơn vị có chi phí vốn, chi phí vận hành thấp; các công ty đang trong chu kỳ tăng trưởng như doanh số tăng, lượng khách hàng tăng, thương hiệu được ưa chuộng, sản phẩm nhiều ưu thế...
Thứ hai, các công ty được lựa chọn thường là những công ty có các lợi thế kinh doanh về giá, thương hiệu, ưu đãi chính sách... và có khả năng mở rộng (scale up) như mô hình chuỗi, hoặc các dự án đã hoàn thiện đầu tư hạ tầng, đạt điểm hòa vốn sản phẩm nhưng cần dòng tiền để mở rộng kinh doanh.
“Khẩu vị đầu tư của chúng tôi là ưu tiên những công ty, dự án thuộc các lĩnh vực thiết yếu và là trụ cột nền kinh tế như: Sản xuất, xuất nhập khẩu, ngành hàng tiêu dùng (FMCG),… đặc biệt lựa chọn những doanh nghiệp có yếu tố mới như sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới, sử dụng các nguyên liệu bảo vệ môi trường và an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
Để lựa chọn doanh nghiệp M&A, chúng tôi cũng đề ra một quy trình chặt chẽ gồm 10 bước với 4 cấp thẩm định. Điều này giúp đơn vị tiến hành M&A giảm thiểu rủi ro trong khâu lựa chọn, hỗ trợ quá trình ra quyết định dựa trên việc phân tích và dữ liệu (data - driven), tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. Đồng thời, quá trình thẩm định chuyên sâu tập trung vào 5 yếu tố then chốt, bao gồm: Hệ thống kinh doanh; Tài chính; Pháp lý; Con người; và Rủi ro”, bà Ngoan bày tỏ.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp