M&A và xu hướng chuyển đổi số năm 2022

13/07/2022

Tiếp nối sự bùng nổ trong năm 2021, chuyển đổi số tiếp tục được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của thị trường M&A lĩnh vực công nghệ trong năm 2022.

Đại dịch Covid-19 đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ hiện đại và số hóa 

Theo Baker McKenzie, năm 2021, tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực công nghệ tăng 71% so với năm 2020 và đạt 1,1 nghìn tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị M&A toàn cầu. Bên cạnh đó, số lượng thương vụ thuộc lĩnh vực này trong năm 2021 cũng tăng 34% so với năm trước.

Bước sang năm 2022, chuyển đổi số tiếp tục được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính của thị trường M&A ngành công nghệ bởi vì xu hướng này chính là cốt lõi trong chiến lược phát triển của hầu hết doanh nghiệp hiện nay.

Kể cả khi các doanh nghiệp đã thích ứng với đại dịch Covid-19, các kế hoạch chuyển đổi số vẫn sẽ tiếp tục được phát triển nhằm duy trì tính cạnh tranh và giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả hơn. Điển hình là vào cuối tháng 1/2022, Deloitte Consulting đã mua lại Dextra Technologies - một công ty phát triển phần mềm của Mexico để tăng cường kỹ thuật phần mềm và hệ thống sản phẩm của công ty, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số các sản phẩm riêng biệt thành các nền tảng được kết nối thông minh.

Tại Việt Nam, trong năm 2021 vừa qua, các doanh nghiệp đã nỗ lực hòa mình vào xu hướng chuyển đổi số trên toàn cầu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với các doanh nghiệp mới bắt đầu chuyển đổi số, 57% doanh nghiệp có nhu cầu về các giải pháp tiếp thị trực tuyến, 53,7% doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp về làm việc nội bộ và 43,3% là các giải pháp giao dịch điện tử.

Các giải pháp công nghệ đã góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng, tạo ra nhiều thách thức cho các mô hình kinh doanh truyền thống. Do đó, các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số ngày càng được chú ý bởi các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm tích hợp công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình, phục vụ quá trình chuyển đổi số, mở rộng cơ sở khách hàng và hướng tới phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng được các quỹ đầu tư không ngừng "săn đón" nhằm đa dạng hóa danh mục vào các sản phẩm công nghệ thiết yếu trong tương lai . 

Một số thương vụ nổi bật trong năm vừa qua như FPT đầu tư vào Base.vn, Kiotviet nhận 45 triệu USD từ quỹ KKR là điển hình cho xu hướng M&A này. Đặc biệt, các thương vụ mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn khá thân thiện và chưa phải là những cuộc thâu tóm khắc nghiệt. Mục tiêu ưu tiên của các nhà đầu tư vẫn là kế thừa đội ngũ nhân sự và năng lực của các công ty đã chuyển nhượng, đầu tư thêm vốn để nghiên cứu công nghệ mới nhằm phát triển kinh doanh và nâng cao uy tín trên thị trường.

Cơ hội M&A: Nhà đầu tư tiềm năng

Nhà đầu tư là một trong những tập đoàn sản xuất và chế biến thịt, thức ăn chăn nuôi hàng đầu Hàn Quốc, có lịch sử hoạt động lâu đời và được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Nhà đầu tư sở hữu danh mục các thương hiệu thịt chế biến và thức ăn chăn nuôi hàng đầu thị trường Hàn Quốc, các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Trong quá trình phát triển và chiếm lĩnh thị trường, nhà đầu tư đã đầu tư vào các quốc gia tiềm năng như Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Myanmar. Qua quá trình phát triển, nhà đầu tư đã đạt doanh thu trung bình hằng năm 1,4 tỷ USD và tổng tài sản đạt 1 tỷ USD năm 2021.

Nhà đầu tư quan tâm đến các doanh nghiệp chế biến thực phẩm áp dụng mô hình 3F (Farm, Feed and Food) tại Việt Nam để mua lại đa số cổ phần hoặc liên doanh chiếm đa số cổ phần, nhằm mở rộng hoạt động và tích hợp vào chuỗi cung ứng vững mạnh của tập đoàn.

Nhà đầu tư là tập đoàn đầu tư đa ngành tại Hàn Quốc, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực giáo dục, logistics, fintech (công nghệ tài chính), thương mại điện tử, dược phẩm. Sau hơn 20 năm thành lập và hoạt động, nhà đầu tư đã sở hữu hệ thống lên đến hơn 600 trường tiểu học và trung học mang thương hiệu của tập đoàn tại Hàn Quốc và các quốc gia trên thế giới.

Nhà đầu tư đã không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng trong mảng giáo dục thông qua các thương vụ đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ giáo dục tiềm năng tại Hàn Quốc và trở thành một trong những tập đoàn giáo dục có tầm ảnh hưởng lớn tại Hàn Quốc.

Nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam và đang tìm kiếm các doanh nghiệp giáo dục tiềm năng để tăng cường hiện diện tại thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư đã đầu tư vào Việt Nam và đang tìm kiếm các trường tư thục hệ K12 tiềm năng để mua cổ phần đa số nhằm mở rộng thị trường tại miền Nam.

Nhà đầu tư là một trong những công ty hàng đầu tại Hàn Quốc trong mảng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống và phân bón với doanh thu hằng năm đạt khoảng 700 triệu USD và tổng giá trị tài sản hơn 1 tỷ USD trong năm 2021. Hiện nay, nhà đầu tư đang tìm kiếm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hoặc phân phối thuốc bảo vệ thực vật và các sản phẩm kỹ thuật nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á để mua lại đa số cổ phần hoặc liên doanh chiếm đa số cổ phần.

Doanh nghiệp tìm nhà đầu tư

Công ty với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và kinh doanh thực phẩm giá trị gia tăng từ thủy sản và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore, Ý, Nhật Bản, Na Uy... Nhà máy của công ty rộng khoảng 5.000m2 trên khu đất rộng 12.000m2 với công suất đạt 1.000 tấn/năm. Công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư tài chính với kinh nghiệm đầu tư trong ngành thực phẩm giá trị gia tăng từ thủy sản, hay có thể đóng góp cho sự phát triển của công ty.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

chevron_left
chevron_right