Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, ông Albero Beretta - CEO của I.F.O SRL - một công ty đến từ Italia chuyên về thiết kế nội thất cho khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp,.. cho rằng, nếu không có biến số rủi ro xảy ra, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi từ quý III/2024.
Ông Albero Beretta - CEO của I.F.O SRL (ở giữa).
Sau cuộc vượt đáy của thị trường địa ốc năm 2011-2013, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu phát triển. Giai đoạn 2016-2019 được ví như thời kỳ “hoàng kim” của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng khi hàng loạt các dự án ra đời, cùng với thanh khoản sản phẩm nhanh chóng.
Thế nhưng, từ cuối năm 2019 đến nay, phân khúc này đã thể hiện rõ sự chững lại. Dẫu vậy, bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam vẫn được đánh giá là loại hình còn rất nhiều dư địa tăng trưởng và được kỳ vọng sẽ có sức bật lớn trong thời gian tới khi ngành du lịch của nước ta đang trên đà phục hồi, tăng tốc.
Ông Albero Beretta, CEO của I.F.O SRL, Công ty có trụ sở chính tại Italia , nổi tiếng hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế & hoàn thiện nội thất trên thế giới nhận định, Việt Nam có những điểm du lịch tuyệt vời và độc đáo. Đó là cơ sở để ông cho rằng, dư địa tăng trưởng của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam rất lớn.
Ông Albero Beretta - CEO của I.F.O SRL
Du lịch Việt Nam hấp dẫn các công ty quản lý vận hành hàng đầu thế giới
Ông nhận định như thế nào về sự phát triển của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam trong những năm qua?
Trong suốt 20 năm làm việc ở lĩnh vực này, tôi chưa từng chứng kiến sự suy giảm nào trong biểu đồ tăng trưởng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp trên thế giới, ngoại trừ giai đoạn ảnh hưởng chung của dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngay sau đó, bất động sản nghỉ dưỡng nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt khi du lịch mở cửa và nền kinh tế phục hồi tích cực. Hoạt động kinh doanh khách sạn và resort có sự khôi phục nhanh chóng. Công suất và giá phòng ghi nhận sự cải thiện ở khắp mọi nơi trên thế giới và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Theo đánh giá của tôi, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt đối với loại hình cao cấp. Việt Nam có những điểm du lịch tuyệt vời và độc đáo, đủ sức hấp dẫn các công ty quản lý vận hành hàng đầu trên thế giới cùng các thương hiệu xa xỉ.
Ông đánh giá như thế nào về chất lượng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam?
Tôi thấy có chút đáng tiếc khi dường như các nhà phát triển ở Việt Nam chưa tìm thấy mô hình kinh doanh thích hợp, đủ sức thu hút sự quan tâm lớn của du khách đến đất nước này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số nhà phát triển bất động sản Việt Nam đang hợp tác với công ty thiết kế và nhà thầu nội thất uy tín trên thế giới để nâng cao chất lượng thi công và mức độ hoàn thiện. Hiệu quả đã và đang thấy rõ với một số nhà phát triển bất động sản tiên phong. Quy mô thật sự ấn tượng nhưng cần đi kèm với chất lượng và sự chuyên nghiệp từ tất cả các yếu tố để tránh rơi vào tình trạng số phòng/căn hộ tăng trong khi chất lượng không đạt theo yêu cầu đặt ra của mảng bất động sản cao cấp.
CEO I.F.O SRL (bên phải): “Dường như các nhà phát triển ở Việt Nam chưa tìm thấy mô hình kinh doanh thích hợp, đủ sức thu hút sự quan tâm lớn của du khách đến đất nước này.
Làm gì “níu chân” du khách?
Những mô hình kinh doanh chưa đủ sức thu hút sự quan tâm lớn của du khách liệu có phải lý do khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa phát triển hết tốc lực so với dư địa sẵn có?
Mỗi mô hình kinh doanh đều có những ưu nhược điểm riêng nhưng tựu chung lại đều chú trọng đến tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng để hấp dẫn du khách, các nhà đầu tư. Một số đơn vị phát triển bất động sản ở Việt Nam đã chuyển hướng xây dựng mô hình kinh doanh theo tư duy này. Trên thực tế, có nhiều quốc gia còn phải đẩy chi phí đầu tư, phát triển bất động sản nghỉ dưỡng lên cao hơn rất nhiều so với những hạng mục tương tự ở Việt Nam nhưng vẫn thu hút được lượng lớn khách du lịch.
Dĩ nhiên, hiện nay, ngành du lịch đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó, nhất là khi Việt Nam còn đối diện với thách thức khó khăn từ thị trường địa ốc nói chung.
Nhiều chuyên gia hay so sánh cách làm du lịch Việt Nam với Thái Lan và bày tỏ sự tiếc nuối khi Việt Nam còn rất nhiều lợi thế chưa phát huy hết. Quan điểm của ông thì sao?
Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia khác nhau về nhiều mặt như lịch sử, kinh tế, tốc độ tăng trưởng… Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh. Và hai đất nước này mang đến các loại hình du lịch khác nhau nên không thể so sánh được.
Thái Lan chỉ tập trung vào du lịch biển trong khi Việt Nam ngoài du lịch thiên nhiên thì còn có du lịch trải nghiệm lịch sử, du lịch văn hóa. Với lợi thế này, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển loại hình dịch vụ cao cấp, độc đáo hơn.
Kịch bản phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng
Ở thời điểm hiện tại, theo ông, bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam có những gì để thu hút du khách, đặc biệt du khách nước ngoài?
Du khách nước ngoài dễ bị thu hút bởi những điểm đến tuyệt vời, dịch vụ du lịch độc đáo và không gian nghỉ dưỡng tinh tế, sang trọng. Tất cả những tiêu chuẩn này đều được đảm bảo bởi các thương hiệu quản lý, vận hành khu nghỉ dưỡng cao cấp, trong đó có nhiều khách hàng của chúng tôi. Nếu muốn thu hút những thương hiệu này đến Việt Nam, các nhà phát triển bất động sản phải cải thiện mạnh mẽ về nhiều mặt, trong đó có cả về chất lượng thi công, dịch vụ sản phẩm… Khi làm việc với doanh nghiệp Việt Nam, tôi nhận thấy rất ít doanh nghiệp áp dụng quy trình khắt khe như vậy. Chỉ một vài trong số đó như Masterise Homes.
Ông dự đoán như thế nào về khả năng phục hồi cũng như thời điểm phục hồi của lĩnh vực này?
Khả năng phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Một số sự kiện gần đây từ vài nhà phát triển gây ra cũng tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành bất động sản.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy sự phục hồi của ngành bất động sản công nghiệp du lịch từ quý III năm 2024 trở đi, nếu không có những biến số rủi ro, những sự kiện không mong đợi khác xảy ra như chiến tranh và đại dịch.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo Cafef