Ngân hàng tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế

24/06/2023

Giảm lãi suất, nới lỏng thêm điều kiện vay vốn, bắt tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… các ngân hàng đang tìm cách “đẩy” vốn ra nền kinh tế.

Một số ngân hàng TMCP tư nhân cũng đã vào cuộc giảm lãi vay với một số nhóm đối tượng khách hàng

Lãi suất tiếp tục giảm thêm, có thể bổ sung thêm room tín dụng

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm thêm lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp. Theo đó, một loạt lãi suất điều hành giảm thêm 0,5%, riêng trần lãi suất huy động giảm 0,25% về 4,75%/năm, đã về gần mốc trước dịch Covid-19.

Động thái của NHNN diễn ra trong bối cảnh hai sự kiện lớn diễn ra tuần qua. Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tạm dừng tăng lãi suất trong phiên họp chính sách tháng 6 sau chuỗi tăng 10 lần liên tiếp. Thứ hai, trong nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế, Ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cho vay ngắn hạn lần đầu tiên sau 10 tháng. 

Ngay cuối tuần qua, một loạt ngân hàng đã công bố giảm thêm lãi suất huy động. Làn sóng giảm lãi suất huy động dự kiến còn lan rộng từ đầu tuần này. Trên thị trường liên ngân hàng, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua, lãi suất giao dịch tất cả kỳ hạn đều giảm mạnh. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 1,01%, lãi suất cho vay 1 tuần chỉ còn 1,37%, kỳ hạn 2 tuần còn 1,86%.

Theo phân tích của các chuyên gia, NHNN giảm lãi suất điều hành thời điểm này là hợp lý.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam (VNCS) cho rằng, Fed tạm dừng tăng lãi suất trong ngắn hạn giúp tỷ giá ổn định, NHNN dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định giảm thêm lãi suất điều hành.

Tuy vậy, cùng với việc giảm lãi suất, các chuyên gia kỳ vọng, NHNN sẽ có thêm giải pháp tăng cung tiền ra hệ thống, bởi cung tiền nửa đầu năm nay vẫn tăng rất chậm.

Đến hết tháng 5/2023, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,17%, nhiều ngân hàng mới chỉ sử dụng hết gần một nửa room tín dụng được cấp. Tuy vậy, bên cạnh đó, vẫn có một số ngân hàng đã sử dụng hết hoặc gần hết room tín dụng, nhưng theo nguồn tin của Báo Đầu tư, các ngân hàng này vẫn chưa được NHNN cấp thêm room tín dụng dù đã đề xuất nhiều tháng nay.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong tình hình hiện nay, với những ngân hàng có khả năng tăng trưởng tín dụng, NHNN nên tạo điều kiện cho phép tăng trên cơ sở kiểm soát các chỉ số an toàn rủi ro, thay vì đợi đến gần cuối năm mới bổ sung room như các năm trước.

Khả năng, NHNN sẽ sớm cấp toàn bộ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuần qua, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu NHNN phải có ngay biện pháp khắc phục hiệu quả việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua. Đồng thời, phải phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6/2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023.    

Ngân hàng cấp tập tìm cách đẩy vốn

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã thực hiện 2 chương trình giảm lãi suất cho vay với khách hàng hiện hữu, giúp hơn 110.000 khách hàng được giảm lãi suất. Hai chương trình này tác động tới hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ, khiến Vietcombank giảm lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng. Ông Tùng cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất điều hành là cơ sở để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và cam kết thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.

Được biết, tại Vietcombank, dư nợ tín dụng mới đóng góp khoảng 40% tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, chứng tỏ nguồn vốn mới vẫn tiếp tục được bơm vào nền kinh tế. Mặc dù tín dụng nửa đầu năm nay không tăng mạnh như cùng kỳ năm ngoái, song lãnh đạo Vietcombank kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện nửa cuối năm.

“Vietcombank đang tích cực làm đầu mối thu xếp các dự án lớn trọng điểm quốc gia, trong đó những khoản thu xếp vốn lớn nhất từ trước đến nay”, ông Tùng cho biết.

Trong khi đó, tín dụng tại Agribank cũng khởi sắc từ đầu tháng 5/2023. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, so với giai đoạn trước, cán bộ tín dụng Agribank có sự “linh hoạt” nhất định để dòng vốn có thể đẩy nhanh hơn ra nền kinh tế.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, việc NHNN giảm lãi suất điều hành ngoài tác dụng hỗ trợ ngân hàng (giảm chi phí vốn) và doanh nghiệp (giảm lãi suất cho vay), còn cho thấy dấu hiệu ngày càng rõ ràng từ sự thay đổi chính sách tiền tệ từ thận trọng sang nới lỏng. Điều này sẽ làm giảm tâm lỳ kỳ vọng lãi suất cao của người dân, kích thích dòng tiền tiết kiệm chuyển sang đầu tư, tiêu dùng. 

BIDV cũng công bố chương trình giảm lãi suất cho vay với khách hàng hiện hữu, một số ngân hàng TMCP tư nhân cũng đã vào cuộc giảm lãi vay với một số nhóm đối tượng khách hàng. Điều này đã có tác động tích cực nhất định tới nền kinh tế. Theo các chuyên gia, cuối quý IV/2023, giá vốn đầu vào của các ngân hàng mới đủ thời gian để giảm, khi đó lãi suất cho vay mới có thể hạ nhiệt mạnh hơn, kích cầu tín dụng và tiêu dùng tăng trở lại.

Trong văn bản chỉ đạo mới đây, Thường trực Chính phủ yêu cầu NHNN có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo ngành ngân cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân. Khẩn trương rà soát, xem xét, sửa đổi phù hợp một số tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn cho vay theo hướng tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản, nhất là đối với các dự án khả thi, hiệu quả, các doanh nghiệp có năng lực...

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo kêu gọi các ngân hàng thương mại đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, phát huy tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân.

Theo Báo Đầu tư

 
chevron_left
chevron_right