Ngày càng nhiều nhà phát triển và chủ đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương quan tâm tới thị trường căn hộ hang hiệu khi đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức mới với về không gian sống.
Jaideep Dang, Giám đốc điều hành mảng khách sạn của JLL tại Nam Á, cho biết các nhà phát triển ngày càng quan tâm đến các khu nhà ở do các tập đoàn khách sạn quản lý.
“Các tập đoàn khách sạn thường muốn tích hợp một khách sạn vào khu căn hộ hàng hiệu để tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, một số tập đoàn hiện nay sẵn sàng quản lý các khu dân cư độc lập mà không kèm theo hạng mục khách sạn”, ông nói.
Khách hàng tiềm năng của các căn hộ hang hiệu thường di chuyển giữa các quốc gia. Vì vậy, họ nhận ra lợi ích của việc có một không gian sống thuộc về mình với các tiện nghi của khách sạn như phòng khách, phòng họp, phòng tập thể thao… do chính các khách sạn quản lý. Sống trong các căn hộ hàng hiệu không chỉ là cách khẳng định đẳng cấp, mà còn đảm bảo được sự an toàn và riêng tư mà nhóm khách hàng giàu có này luôn tìm kiếm.
Các căn hộ hàng hiệu xuất hiện tại cả những khu dân cư giữa trung tâm thành phố và các điểm đến nghỉ dưỡng, mang lại trải nghiệm sống riêng biệt và đẳng cấp cho khách hàng. Nhu cầu đối với căn hộ hàng hiệu được thúc đẩy bởi rất nhiều cá nhân sở hữu khối tài sản có giá trị ròng cao.
Nhu cầu này đang tăng lên đáng kể sau đại dịch Covid-19, khi ranh giới giữa nơi ở, nơi làm việc và nghỉ dưỡng bị lu mờ do hình thức làm việc từ xa và các đợt giãn cách. Đối với dân du mục kỹ thuật số và giới thượng lưu, họ có thể làm việc từ mọi nơi trên thế giới. Đây cũng là lý do các căn hộ hàng hiệu đang dần xác lập vị thế mới.
Căn hộ hàng hiệu đáp ứng mọi yêu cầu mới xuất hiện sau Covid-19 về quyền riêng tư, sức khỏe, sự an toàn, không gian để làm việc và nghỉ ngơi thoải mái. Mặc khác, nó mang lại phong cách sống đáng mơ ước, bao gồm quyền tiếp cận các dịch vụ và đặc quyền của các chuỗi khách sạn như khu spa sang trọng hay các nhà hàng sao Michelin.
Ở khía cạnh nhà phát triển, mức giá căn hộ hàng hiệu thường cao hơn 30% mang lại doanh thu lớn hơn so với căn hộ hạng sang thông thường. Đây có thể là một điều bất lợi với khách hàng trong khi kinh tế suy thoái, nhưng các ưu điểm và lợi ích mà chủ sở hữu nhận được lại vượt xa sự chênh lệch về giá này.
Tại Việt Nam, từ năm 2017, nguồn cung bất động sản hàng hiệu đã tăng trung bình mỗi năm 11% lên hơn 2.200 căn từ 24 dự án vào quý 1/2021, theo Savills Việt Nam. Dữ liệu của Savills cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt trong lĩnh vực bất động sản hàng hiệu trên thế giới. Các căn hộ hàng hiệu thường tập trung tại các điểm đến như Kiên Giang, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa Vũng Tàu… và đã manh nha phát triển tại Hà Nội và TP.HCM. Khách hàng mục tiêu của phân khúc này bao gồm giới siêu giàu trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc