Thúc đẩy khả năng phục hồi với chiến lược M&A phòng thủ

04/06/2023

Chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A) phòng thủ dự kiến là xu hướng chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam trong năm 2023 nhiều biến động và thách thức.

Ông Lê Viết Anh Phong, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn tài chính, Deloitte Việt Nam chia sẻ xoay quanh chủ đề này.

Ông Lê Viết Anh Phong, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn tài chính, Deloitte Việt Nam.

Theo ông, xu hướng nổi bật trong hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2023 là gì?

Dù chúng ta đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, nhưng ảnh hưởng của đại dịch vẫn còn tác động tới nhiều doanh nghiệp. Hơn nữa, bức tranh của nền kinh tế toàn cầu và tại Việt Nam không thực sự khả quan, với lạm phát, chi phí vốn cao, thị trường tài chính bất ổn và sức cầu yếu, tiếp tục tạo áp lực cho kết quả kinh doanh và khả năng thanh khoản của doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi chuyện lành mạnh hóa bảng cân đối để duy trì hoạt động vẫn được xem là ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Vì vậy, nhiều khả năng, chiến lược M&A phòng thủ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm nay, với mục đích là tối ưu hóa danh mục tài sản, tạo thanh khoản để công ty tiếp tục tăng trưởng ở mảng kinh doanh chủ đạo và lành mạnh hóa cơ cấu tài chính.

Một số doanh nghiệp sẽ điều chỉnh/tối ưu hóa danh mục đầu tư với việc thoái vốn tại một số hạng mục không quan trọng để tăng cường dòng vốn lưu động. Hơn nữa, khi phát triển bền vững dần trở thành vấn đề trọng tâm trong xem xét đầu tư, nhiều doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội này để đánh giá lại hoạt động thông qua góc nhìn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và giải quyết những tài sản không tương thích với định hướng phát triển.

Theo khảo sát toàn cầu năm 2022 của Deloitte, 70% công ty đang cân nhắc thực hiện 2 hoặc nhiều đợt thoái vốn trong 2 năm tới, tiếp tục tập trung vào việc tăng cường khả năng phục hồi. Việc này có thể giúp công ty dễ thích nghi và sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp và khó đoán trong tương lai. Sau đó, doanh nghiệp có thể tính đến việc chuyển sang chiến lược M&A tấn công để chuyển đổi mô hình mang tính chiến lược hơn.

Theo quan sát của chúng tôi, các nhà đầu tư chiến lược từ Nhật Bản vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Cũng có tín hiệu tích cực từ các nhà đầu tư Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, kỳ vọng về định giá bên bán có xu hướng điều chỉnh giảm, giúp thu hẹp khoảng cách định giá giữa các bên.

Vậy hoạt động M&A sẽ sôi động nhất trong những lĩnh vực nào?

Năng lượng tái tạo - một trong những lĩnh vực sôi động nhất năm 2022 được dự báo tiếp tục thu hút nhà đầu tư. Các giao dịch trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tiêu dùng và hỗ trợ tiêu dùng vẫn tích cực, trong khi các ngành còn lại cũng có nhiều cơ hội hơn.

M&A sẽ tương đối sôi động trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng và logistics, khi có nhiều cơ hội hợp nhất theo chiều ngang và mở rộng theo chiều dọc cho các công ty có năng lực tài chính mạnh. Trong lĩnh vực ngân hàng, có thể có một số giao dịch tăng vốn giúp ngân hàng tăng hệ số CAR, sẵn sàng cho tăng trưởng và đối phó với sự bất ổn trong thị trường tài chính và nợ xấu tiềm năng.

Ông dự đoán ra sao về số lượng và giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm nay?

Thị trường M&A toàn cầu và tại Việt Nam năm 2022 không được tươi sáng do những biến động từ xung đột địa chính trị và lãi suất cao. Tuy nhiên, các quỹ tư nhân (PE) vẫn có lượng tiền dự trữ tương đối dồi dào, nhiều khả năng sẽ rất tích cực thực hiện các thương vụ M&A.

Trong ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam có bị ảnh hưởng, nhưng trong dài hạn, các yếu tố vĩ mô đều ổn định. Có sự đồng thuận nhất định rằng, năm nay sẽ là thời điểm thú vị để các quỹ tư nhân, nhà đầu tư xem xét thực hiện giao dịch tại Việt Nam.

Từ góc nhìn cá nhân, tôi dự đoán, giá trị các thương vụ trong năm 2023 sẽ cao hơn, có nhiều thương vụ lớn. Nhưng số lượng thương vụ có thể giảm khi các nhà đầu tư vẫn cần phải cân nhắc cẩn thận hơn.

Đâu là các yếu tố thúc đẩy hoạt động M&A ở Việt Nam?

Ngoại trừ các yếu tố đã thảo luận ở trên, theo tôi, sự trở lại của số lượng giao dịch phụ thuộc nhiều vào niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam và cả các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất cho vay, một thị trường tài chính khỏe mạnh, cùng những thay đổi phù hợp về pháp lý sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động M&A ở Việt Nam.

Ông có khuyến nghị gì với các công ty đang tìm kiếm cơ hội M&A tại Việt Nam?

Một giao dịch có thể thực hiện được một cách nhanh chóng khi doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng về hoạt động, tài chính, kế hoạch kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng cần nắm rõ quy trình và nguồn lực cần thiết để triển khai một giao dịch thành công, đồng thời hiểu rõ các rủi ro liên quan để giảm thiểu.

Ngoài ra, nhà đầu tư và bên bán nên cùng có một tầm nhìn dài hạn để rút ngắn khoảng cách giữa hai bên. Cấu trúc giao dịch có thể được dùng như là một công cụ để hài hòa lợi ích của các bên.

Theo Báo Đầu tư

 
chevron_left
chevron_right