Theo các chuyên gia về M&A, trong vài năm trở lại đây hoạt động M&A tại Việt Nam đã dịch chuyển theo hướng gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp nội. Cụ thể là quy mô các thương vụ mà doanh nghiệp trong nước góp vốn hoặc thâu tóm lẫn nhau, bắt đầu áp đảo quy mô các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp trong nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2023, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3,11 tỷ USD, tăng 70,4% so cùng kỳ năm trước. Mặc dù tăng mạnh so với năm 2022, song con số này chỉ bằng 40% tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2019 (đạt 7,14 tỷ USD), là năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, hoạt động M&A của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2023 ghi nhận một thương vụ có quy mô lớn, chiếm tới gần 50% tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần. Đó là Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group (Nhật Bản) mua 15% cổ phần với trị giá 1,5 tỷ USD của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank). Nếu không tính thương vụ này, thì tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2023 thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2020 và 2022. Như vậy, số liệu thống kê cho thấy nếu so sánh trong vòng 5 năm trở lại đây, thì 4 tháng đầu năm nay vẫn chưa ghi nhận sự gia tăng đột biến của xu hướng nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm DN trong nước.
Trong khi theo các chuyên gia về M&A, trong vài năm trở lại đây hoạt động M&A tại Việt Nam đã dịch chuyển theo hướng gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp nội. Cụ thể là quy mô các thương vụ mà doanh nghiệp trong nước góp vốn hoặc thâu tóm lẫn nhau, bắt đầu áp đảo quy mô các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp trong nước. Một số thương vụ nổi bật của doanh nghiệp trong nước, 4 tháng đầu năm 2023 là CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang liên tiếp thực hiện hai thương vụ lớn: Mua vào 3,4 triệu cổ phiếu CTCP Ắc quy Tia Sáng (Tibaco) để nâng sở hữu lên 51% vốn điều lệ; chi 635 tỉ đồng mua lại 100% cổ phần của CTCP Phốt Pho 6. Trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, CTCP Tập đoàn KIDO thông báo sẽ đầu tư để nắm quyền chi phối tại Công ty TNHH MTV Chế biến Thực phẩm Thọ Phát. Thương vụ này đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của KIDO trong lĩnh vực chế biến bánh, dần hiện thực hóa mục tiêu xếp thứ 2 ngành chế biến bánh Việt Nam, sau Mondelez Kinh Đô Việt Nam (thuộc Tập đoàn Mondelez International, Mỹ).
Sau thời gian kinh tế biến động khó khăn, việc doanh nghiệp phải bán bớt tài sản hoặc thoái vốn tại các mảng kinh doanh hoạt động kém hiệu quả, là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu dựa vào đó để nhận định doanh nghiệp “bán mình” với giá rẻ thì chưa đủ cơ sở. Theo ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm TGĐ KPMG Việt Nam và Campuchia, cần nhìn nhận rằng bối cảnh kinh tế khó khăn đã tạo ra sự dịch chuyển trong tư duy định giá của cả bên mua và bên bán. Vị này phân tích, trong giai đoạn kinh tế phát triển nóng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, dòng tiền hứa hẹn đổ vào Việt Nam rất lớn. Khi đó nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm các thương vụ tại Việt Nam nhưng không thể thực hiện thành công do bên bán đặt ra kỳ vọng rất cao về mức giá. Sau khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế dần hồi phục, nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại vì nhận thấy nhà đầu tư Việt Nam đã chủ động điều chỉnh định giá. Lúc này, các thương vụ lại hứa hẹn khả năng thành công cao hơn.
Mặc dù trong vài năm trở lại đây đã có sự gia tăng nhẹ M&A trong lĩnh vực hàng hoá tiêu dùng, năng lượng tái tạo, song nhà đầu tư nước ngoài vẫn dành nhiều sự quan tâm nhất cho lĩnh vực bất động sản. Điển hình là CTCP Vinhomes vào cuối tháng 3 đã công bố chuyển nhượng 2 công ty con có liên quan đến các dự án Ocean Park 2 và 3 cho Tập đoàn Capitaland. Thống kê của trang Batdongsan.com.vn cũng cho thấy hoạt động M&A, mở rộng hợp tác đang trở thành xu hướng của các chủ đầu tư lớn tại Việt Nam và các chủ đầu tư nước ngoài. Điển hình như: CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền hợp tác với Công ty Keppel Land phát triển các khu đô thị bền vững tại TP.HCM; Tập đoàn Frasers Property Vietnam hợp tác cùng CTCP Tập đoàn Gelex triển khai các khu công nghiệp tại khu vực miền Bắc; ESR Group Limited, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Á Thái Bình Dương (APAC) đã dẫn đầu nhóm nhà đầu tư rót vốn vào CTCP Phát triển Công nghiệp BW (BW Industrial) với quy mô tới 450 triệu USD.
Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam nhận định, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản đã góp phần thay đổi rất lớn thị trường này ở Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hơn. Nếu như mô hình trước đây chủ yếu tập trung vào các dự án nhà ở mua đứt bán đoạn, thì hiện nay mở rộng sang các lĩnh vực gắn với vận hành như bán lẻ, văn phòng, công nghiệp. Trong tương lai không xa, còn xuất hiện khu đô thị tích hợp công nghiệp, dịch vụ; kho bãi; trung tâm dữ liệu… Mặc dù nhiều ý kiến lo ngại nhà đầu tư nước ngoài tập trung thâu tóm tài sản tại Việt Nam với giá rẻ, song từ góc nhìn của chuyên gia JLL, hiện nay các thủ tục pháp lý tại Việt Nam còn nhiều vướng mắc và đang gây nhiều cản trở để nhà đầu tư nước ngoài có nguồn lực và nhà đầu tư trong nước có nhu cầu có thể gặp được nhau.
Theo Thời báo Ngân hàng