Lãi suất có thể tăng vào năm 2023

11/01/2023

Ngày 16/6/2021, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất điều hành và kế hoạch bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời cũng đưa ra lộ trình về những đợt tăng lãi suất vào năm 2023 nếu tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm phục hồi.

Như vậy, đây là lần thứ 10 liên tiếp Fed không điều chỉnh lãi suất sau cuộc họp của Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC). Fed cũng đã thực hiện các điều chỉnh kỹ thuật nhằm mục đích giữ cho lãi suất chuẩn qua đêm không giảm quá thấp.

Tuy nhiên, Fed dự kiến tăng lãi suất vào năm 2023. Tuyên bố này cho thấy sự thay đổi rõ rệt so với tuyên bố của Fed vào tháng 3/2021 khi cho biết sẽ giữ lãi suất gần mức 0 trong ít nhất hai năm tới. Một số thành viên của FOMC ủng hộ việc tăng lãi suất vào năm tới. Fed kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ đạt 7% vào năm 2021, cao hơn so với mức dự báo 6,5% hồi tháng 3/2021.

Lạm phát gia tăng

Bên cạnh kỳ vọng về tăng trưởng tăng cao, Fed thay đổi mức lạm phát kỳ vọng khi trong tháng 5/2021, chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) tăng 5% - mức tăng cao nhất trong 13 năm; trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 6,6%, tăng mạnh nhất trong 11 năm. Fed nâng dự báo lạm phát toàn phần năm 2021 lên 3,4%, cao hơn 1% so với mức dự báo vào tháng 3/2021, cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed là khoảng 2%. Tuy nhiên, Fed cho rằng, áp lực lạm phát chỉ mang tính nhất thời. Lạm phát được dự báo giảm xuống 2,1% vào năm 2022 và giữ nguyên vào năm 2023 so với mức dự báo tháng 3/2021. Nguyên nhân làm lạm phát tăng cao trong vài tháng qua là do sự gián đoạn và thiếu hụt chuỗi cung ứng trong khi nhu cầu hàng hóa cao. Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, các công ty đang cố gắng theo kịp nhu cầu, nhưng khả năng cung vượt cầu có thể xảy ra trong thời gian tới.

Cục Dự trũ liên bang Hoa Kỳ sẽ giữ nguyên lãi suất và tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng, bao gồm việc mua tổi thiểu 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc và tối thiểu 40 tỷ USD trái phiếu được đảm bảo bằng thế chấp.

Thị trường việc làm cải thiện

Báo cáo của Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết, nước này đã có thêm 559 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 5/2021, thấp hơn so với dự đoán khoảng 671 nghìn việc làm theo các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones. Tuy nhiên, con số này đã gấp đôi 278 nghìn việc làm mới được tạo ra trong tháng 4/2021. Tháng 5/2021, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 6,1% xuống 5,8%, tốt hơn so với ước tính là 5,9%. Tổng thống Joe Biden đánh giá, kết quả lạc quan này là sự hiệu quả của kế hoạch phục hồi, giúp Hoa Kỳ vượt "cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 100 năm qua”. Theo đó, số việc làm và tiền lương tăng, sản xuất đang khả quan, tăng trưởng đi lên, số người có bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cũng tăng, niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ cũng tăng cao.

Bên cạnh đó, tuyển dụng cũng gia tăng trong tháng 5/2021 nhờ vào sự dẫn đầu của ngành giải trí và khách sạn với 292 nghìn việc làm mới. Việc làm trong lĩnh vực giáo dục của chính quyền địa phương cũng tăng thêm 53 nghìn việc làm, ngành sản xuất thêm 23 nghìn việc làm, nhưng trong lĩnh vực xây dựng lại giảm 20 nghìn việc làm.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, ít nhất một nửa dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều đó cho phép các nhà chức trách trên toàn quốc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 đối với các doanh nghiệp. Việc cải thiện vấn đề việc làm, thu nhập bình quân hàng giờ của người dân Hoa Kỳ cũng tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với mức 0,4% của tháng 4/2021. Tuy nhiên, so với trước đại dịch, số việc làm ở Hoa Kỳ hiện nay vẫn ít hơn khoảng 7,5 triệu công việc. Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp năm 2021 sẽ là 4,5%, sau đó giảm xuống 3,8% vào năm 2022 và 3,5% vào năm 2023.

Thị trường chứng khoán giảm điểm

Chứng khoán giảm điểm và lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Hoa Kỳ tăng khi nhà đầu tư dự báo nhiều hơn về khả năng chính sách của Fed sẽ bị thắt chặt trong thời gian tới. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang tính đến khả năng chương trình mua trái phiếu sẽ chững lại ngay trong năm 2021. Chứng khoán Hoa Kỳ giảm xuống mức thấp nhất trong phiên ngày 16/6, ngay sau khi Fed thông báo điều chỉnh dự báo về lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như nhiều kỳ vọng lãi suất sẽ tăng vào năm 2023. Theo đó, chỉ số Dow Jones (INDU) đóng cửa giảm 0,8%, tương đương 266 điểm, trong khi S&P 500 (SPX) và Nasdaq Composite (COMP) lần lượt giảm 0,5% và 0,2%. Tính chung cả tuần (14 - 18/6), Dow Jones giảm 3,5% - ghi nhận tuần thứ hai chỉ số này giảm liên tiếp và đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 30/10/2020. Chỉ số Nasdaq và S&P cũng lần lượt giảm 0,3% và 1,9% so với tuần trước.

Lãi suất cao, khả năng chính sách tiền tệ nới lỏng trong 15 tháng qua chấm dứt sẽ ảnh hưởng tới cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp do việc vay nợ với lãi suất cao sẽ ảnh hưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp này. Công ty nghiên cứu BofA Global Research đã đưa ra dự báo về khả năng thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đang bước vào một giai đoạn điều chỉnh theo chu kỳ, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các biện pháp kích thích tài khóa của Hoa Kỳ giảm dần và Fed có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ nhấn mạnh quá trình tiêm vắc xin Covid-19 đã giúp đẩy lùi dịch bệnh, các chỉ số kinh tế và việc làm đang mạnh lên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch dù vẫn còn yếu nhưng đã dần được cải thiện.

Các nước châu Á chịu ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ của Fed

Thep Hãng tin Bloomberg, sự thay đổi về chính sách tiền tệ của Fed sẽ làm dịu áp lực đối với một số ngân hàng trung ương lớn trong khu vực, nhưng mặt khác lại đặt ra thách thức đối với những ngân hàng trung ương còn lại. Kỳ vọng lãi suất tăng ở Hoa Kỳ thường có khuynh hướng hút các dòng vốn khỏi châu Á, làm cho các đồng tiền trong mất giá và đẩy lãi suất trong khu vực lên cao hơn. Đây sẽ là thông tin tích cực đối với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), bởi hai nước này đang ứng phó với sự tăng giá mạnh của đồng nội tệ. Trái lại, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Indonesia có thể phải đương đầu với một thực tế là không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế từ Covid-19.

Theo CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TÀI CHÍNH

chevron_left
chevron_right