Trái với bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp và đối mặt với nhiều khó khăn từ bên ngoài và bên trong, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) trong nửa đầu năm lại có vẻ sôi động hơn.
Các chuyên gia đánh giá nhu cầu chăm sóc y tế tại thị trường Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Những chuyển động mới
Trong nửa đầu năm 2023, có thêm nhiều thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) diễn ra trên thị trường. Gần đây nhất vào giữa tháng 7 là thương vụ Tập đoàn Thomson Medical (TMG) mua lại Far East Medical Vietnam (FEMV), công ty sở hữu và điều hành các cơ sở y tế tại Việt Nam bao gồm Bệnh viện FV, với giá trị 381,4 triệu đô la, tương đương 9.021 tỉ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán Maybank Singapore (thuộc Maybank IBG), đơn vị đóng vai trò là Cố vấn Tài chính duy nhất, đây là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam (đồng thời cũng là thương vụ mua lại lớn nhất trong lĩnh vực này tại khu vực Đông Nam Á kể từ năm 2020), đánh dấu sự thâm nhập của một trong những công ty chăm sóc sức khỏe niêm yết hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á với các hoạt động tại Singapore và Malaysia.
Trước đó, hồi tháng 4 cũng xuất hiện thông tin Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) đã đầu tư 30 triệu đô la Mỹ vào hệ thống phòng khám Nhi Đồng 315. Khoản vốn này giúp dự kiến mở 15 cơ sở phòng khám, nâng tổng số lượng lên 60 cơ sở.
Bên cạnh lĩnh vực y tế, các hoạt động đầu tư M&A cũng rất sôi động ở nhiều lĩnh vực khác. Có thể kể đến thương vụ Tập đoàn giáo dục EQuest đã huy động thành công 120 triệu đô la Mỹ từ quỹ Global Impact Fund (thuộc KKR), để đầu tư và nâng cấp hệ thống trường Quốc tế Canada (CIS) tại TPHCM.
Còn trên thị trường tiêu dùng, Growtheum Capital Partners (GCP) quyết định mua 15% cổ phần của Công ty cổ phần Sữa Quốc tế Việt Nam (IDP) với giá khoảng 100 triệu đô la, tham vọng mở rộng thị trường tại Việt Nam và Đông Nam Á, nơi thị trường sữa dự kiến sẽ tăng trưởng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2027.
Lĩnh vực tài chính cũng có những chuyển động mới. Hồi tháng 3, VPBank công bố ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) với 15% cổ phần. Thương vụ này mang về cho VPBank 35.900 tỉ đồng vốn cấp 1, tương đương khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, Ngân hàng SHB gần đây công bố hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 50% vốn tại Công ty tài chính SHB Finance với Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan.
Tương tự, Ngân hàng UOB thông báo việc hoàn tất việc mua lại mảng Ngân hàng Tiêu dùng của Citigroup tại thị trường Việt Nam, bao gồm việc nhận chuyển giao nhân sự. Mảng này bao gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ.
Tin tức về hoạt động M&A cũng sôi nổi bao gồm cả những lời đồn đoán. Chẳng hạn như các tin đồn về việc Central mua lại cổ phần của Vincom Retail (thuộc VinGroup), hay gần đây là việc thông tin bên lề về việc tập đoàn Thaco đang đàm phán để có thể bán tới 20% cổ phần mảng ô tô.
Thống kê của Công ty quản lý quỹ VinaCapital cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, mặc dù số lượng giao dịch có giảm nhẹ, nhưng tổng giá trị giao dịch M&A đạt mức 3,2 tỉ đô la, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
“Sau 2 năm trầm lắng vì đại dịch Covid-19, các thương vụ kêu gọi vốn ở Việt Nam đã khởi sắc trở lại. Các giao dịch tập trung vào 3 lĩnh vực chính là dịch vụ tài chính, công nghiệp, và dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận đầu tư tư nhân, Công ty quản lý quỹ VinaCapital, chia sẻ với KTSG Online.
Cơ hội ở thị trường Việt Nam còn lớn
Mặc dù kinh tế hiện đối mặt với nhiều khó khăn trong ngắn hạn, nhưng bức tranh vĩ mô và các yếu tố hỗ trợ trong dài hạn giúp hoạt động M&A được đánh giá là còn nhiều tiềm năng, nhờ vào dự báo nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Với lĩnh vực y tế, hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực với tốc độ tăng trưởng kép vào khoảng 9,2% về chi tiêu chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn 2017-2022.
“Với thị trường chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đầy tiềm năng, chúng tôi dự đoán sẽ còn thêm một số thương vụ nữa có thể được công bố vào 6 tháng cuối năm 2023”, bà Phương cho biết.
Trong báo cáo khảo sát công bố hồi tháng 2-2023 của hãng tư vấn kiểm toán PwC, mặc dù các giao dịch toàn cầu đang phải chịu tác động từ kinh tế vĩ mô, tuy nhiên có 60% CEO toàn cầu cho biết không có ý định trì hoãn các giao dịch vào năm 2023. Theo đó, các hoạt động M&A toàn cầu có khả năng tăng trưởng vào nửa sau năm 2023.
Cũng theo PwC, tại Việt Nam, các nhà đầu tư đang quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, logistics và giáo dục, đồng thời mở rộng cơ sở sản xuất, mở rộng thị phần và khai thác lực lượng lao động có trình độ, cũng như phát triển các tệp khách hàng. Đặc biệt cũng quan tâm đến vấn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG).
Đánh giá tương tự, bà Phương của VinaCapital, cho rằng thị trường M&A Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới và khu vực. Các lĩnh vực có thể sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công nghệ thông tin, và năng lượng tái tạo.
“Chúng tôi ghi nhận xu hướng ngày càng nhiều bậc phụ huynh cân nhắc các trường tư thục hay quốc tế như một sự lưa chọn phù hợp cho việc giáo dục con cái của họ. Công nghệ cũng là một mảng đầu tư rất tiềm năng cho các nhà đầu tư trong thời gian tới. Ngoài ra, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để tối ưu hóa các hoạt động của doanh nghiệp”, bà Phương bình luận.
Thị trường Việt Nam hiện được đánh giá cao về mặt tiêu dùng, cho dù Tập đoàn Parkson (Malaysia) chính thức công bố rút lui sau 18 năm hoạt động kiểu “cầm chừng”. Ngược lại, người Thái vẫn tỏ ý mở rộng. Theo đó, tập đoàn bán lẻ Central (Thái Lan) hồi đầu năm công bố mục tiêu đầu tư 1,45 tỉ đô la vào thị trường Việt Nam trong giai đoạn trong giai đoạn 2023 – 2027.
Các cổ đông VPBank hỏi sâu về thương vụ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4.
Lĩnh vực tài chính với nhu cầu tiêu dùng cao cũng rất hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh các nhà băng Việt Nam có nhu cầu huy động thêm lượng vốn lớn. Chưa kể đến khả năng có thể nới trần tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại các nhà băng tham gia “giải cứu” các ngân hàng yếu kém từ mức 30% lên 49%. Nếu được thông qua, quy định này sẽ tiếp tục làm nóng thêm hoạt động M&A trên thị trường ngân hàng.
Lĩnh vực bất động sản trong thời gian qua cũng xuất hiện nhiều thông tin về việc thương lượng chuyển nhượng dự án để tái cấu trúc doanh nghiệp, cải thiện dòng tiền trong bối cảnh gặp khó về vốn.
Theo báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2023 của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, hoạt động M&A bắt đầu trở lên sôi động hơn với nhiều thông tin “săn dự án” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các thương vụ hầu hết đang ở bước đặt hàng, xem xét và khảo sát. Trong quí 4 có thể sẽ có vài thương vụ thành công đầu tiên, nhưng số lượng không nhiều và giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ với pháp lý cơ bản hoàn thiện.
Một thực tế hiện nay là tăng trưởng kinh tế vẫn gặp nhiều thử thách trong ngắn hạn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nhu cầu tiêu dùng và vay vốn suy yếu, còn các nhà đầu tư cũng phải đắn đo chắt lọc hơn trong bối cảnh giá vốn không còn rẻ như trước nữa. Nhưng các biến động kinh tế vĩ mô và địa chính trị cũng có thể tạo ra lợi thế và thách thức cho các bên khác nhau, theo PwC.
Theo bà Phương, các hoạt động M&A ở Việt Nam dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng, nhưng đầu tư vào một thị trường đang phát triển như Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức.
“Để duy trì sự hấp dẫn trong dài hạn, nhà đầu tư cần có được lợi tức tương ứng với mức rủi ro cao của một thị trường đang phát triển. Chúng tôi nhận thấy một trong những thách thức lớn nhất mà nhà đầu tư thường gặp phải là việc xác định tính khả thi của những kế hoạch kinh doanh mà dan điều hành công ty đưa ra, qua đó có được những định giá và điều khoản phù hợp cho cả bên bán và bên mua”, bà Phương của VinaCapital chia sẻ.
Theo Kinh tế Sài Gòn