Sau khoảng thời gian gần như “đóng băng” vì dịch bệnh, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam đang có nhiều cơ hội bật dậy mạnh mẽ. Đây cũng là phân khúc đầu tư còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững, ổn định cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến lĩnh vực này.
Đó là những nội dung được các chuyên gia bất động sản bàn luận trong hội thảo “Cơ hội mới của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng” do báo Tiền Phong tổ chức sáng 22/6 tại TP.HCM.
Bất động sản đang hồi phục
Theo ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thị trường bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng đang trên đà phục hồi tốt sau khoảng thời gian khó khăn.
Đại diện Bộ Xây dựng chỉ rõ tín hiệu phục hồi của thị trường như lượng giao dịch bất động sản tăng dần từ quý 1 sang quý 2, các sản phẩm bất động sản không phát sinh tồn kho, dòng vốn cho đầu tư bất động sản ổn định.
Liên quan đến dòng vốn cho thị trường bất động sản, ông Dũng khẳng định, không có chủ trương “siết” hay ngắt dòng tiền như một số doanh nghiệp, thông tin truyền thông phản ánh. Thay vào đó, cơ quan quản lý chỉ đang kiểm soát để dòng tiền đi đúng hướng đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết, nửa đầu năm 2022 có gần 60 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tăng cao so với năm 2021.
Trong đó, phân khúc tập trung vào biệt thự nghỉ dưỡng với 26 dự án (2.776 căn); Nhà phố và shophouse nghỉ dưỡng là 23 dự án với 5.145 căn và loại hình condotel là 8 dự án với 1.591 căn.
Về mặt bằng giá, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước với mức từ 9- 40%. Trong đó, tăng mạnh nhất là Nhà phố và shophouse với 30- 40%; biệt thự nghỉ dưỡng tăng 11- 28%; condotel là 9- 15%.
Vị chuyên gia này nhận định, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm sẽ rất tích cực, nguồn cung lĩnh vực này vẫn sẽ tăng nhẹ so với 6 tháng đầu năm, tập trung vào một số thị trường như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu và Phú Quốc…
Cần hoàn thiện khung pháp lý
Trước ý kiến cho rằng, các sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hiện vẫn chưa có pháp lý ro ràng, ông Dũng cho biết đây chỉ là những băn khoăn của các nhà đầu tư trong gai đoạn đầu.
“Tôi khẳng định đến thời điểm này, định danh địa vị pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng đã rất rõ ràng. Các nhà đầu tư đã hiểu rất rõ về nhận thức pháp luật, đầu tư nên không còn băn khoăn nữa”, ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, tính chính danh của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã được quy định rõ ràng.
Cụ thể, trong Luật Du lịch nêu rõ cơ sở lưu trú du lịch trong đó có căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự du lịch (villa) và cơ sở lưu trú khác. Trong Luật đất đai đã quy định về công trình xây dựng và có sử dụng đất đưa vào kinh doanh. Trong Luật kinh doanh bất động sản thì cũng có quy định về các sản phẩm bất động sản đưa vào kinh doanh trong đó có nhà ở, trong đó có công trình xây dựng đưa vào kinh doanh (condotel).
Tuy nhiên, ông Châu cũng thừa nhận, khiếm khuyết của hệ thống pháp luật là quy định chưa đầy đủ dẫn đến một số địa phương hiểu sai, làm sai. Chẳng hạn, trước năm 2008, một số địa phương đã cấp sổ hồng cho căn hộ du lịch không đúng quy định của pháp luật và buộc phải thu hồi sau đó. Tuy nhiên, điều này gây ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của nhiều khách hàng.
Để hoàn thiện khung pháp lý, ông Châu cho rằng, trong thời gian tới cần có 3 bộ luật cần phải sửa đổi gồm Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị.
“Sau khi chuẩn hóa các hành lang pháp lý sẽ định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản du lịch”, ông Châu nói.
Theo CafeLand